Bỏ qua Lệnh Ruy-băng
Bỏ qua nội dung chính

Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long"

Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long" (MCRP, 2019-2025) do Chính phủ Đức, Thụy Sỹ và Việt Nam đồng tài trợ, được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ cùng 13 tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ các cơ quan quản lý của Việt Nam tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu vùng bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới phát triển bền vững khu vực.


 

 

BỐI CẢNH DỰ ÁN

 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến làm thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán. Thách thức tiếp theo từ những bất cập, hạn chế trong quy hoạch phát triển vùng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Để khắc phục, vượt qua thách thức, biến ĐBSCL thành một vùng phát triển thịnh vượng bền vững, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, các Bộ, các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL xây dựng kế hoạch hành động chi tiết thực hiện nghị quyết. Những văn bản quan trọng này đã thể hiện sự cam kết và quan tâm của Chính phủ thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, đề ra mục tiêu tới năm 2050 và tầm nhìn tới năm 2100 phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng ĐBSCL. Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn một số tồn tại, thách thức như sau:

- Các Bộ, ngành, địa phương ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước. Thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành và cần có thời gian để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặc biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

- Các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá.

- Vẫn tồn tại một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp tích hợp và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vẫn đang diễn biến phức tạp, một số công trình được đầu tư xây dựng nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Chưa có hệ thống giám sát, dự báo sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn.

- Tình trạng ngập lụt đặc biệt tại các khu đô thị diễn ra thường xuyên và chưa có giải pháp bền vững đặc biệt trong bối cảnh thiên tai diễn ra khó lường, phức tạp. 

- Biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

MỤC ĐÍCH DỰ ÁN

 

Cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong khu vực.

 

 

 

 

CÁCH TIẾP CẬN

 

Pha 2 của dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” (MCRP) dự kiến triển khai thực hiện từ năm 2022 - 2025 tập trung vào các lĩnh vực:

- Thiết lập khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu

- Cải thiện công tác lập quy hoạch/kế hoạch đầu tư cấp vùng phục vụ công tác quản lý nước đô thị và nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu có lồng ghép bình đẳng giới

- Áp dụng các giải pháp công nghệ mới, sáng tạo trong phòng chống sạt lở, xói mòn bờ biển, qua đó tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu đối với cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái nông thôn

- Triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng thoát nước và chống ngập đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu​.

Đây là những lĩnh vực cần thiết để khắc phục những tồn tại hiện có, giúp khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển một cách bền vững, góp phần đảm bảo an toàn xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.

   

 

THÔNG TIN DỰ ÁN

  

ỦY NHIỆM BỞI

Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức
Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ

  VỐN VIỆN TRỢ
18.350.000 EURO

CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD)

  THỜI HẠN DỰ ÁN
2019-2025

CƠ QUAN THỰC THI
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)
Tổng cục Phòng chống Thiên tai (VNDMA) - Bộ NN&PTNT (MARD)
Tổng cục Hạ tầng Kĩ thuật (ATI) - Bộ Xây dựng (MOC)

 
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Bà Dana Loew
Giám đốc Dự án
dana.loew@giz.de

ĐỊA BÀN DỰ ÁN
13 Tỉnh thành tại ĐBSCL: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.